Nghị luận về 1 bài hát, một bộ phim hay tác phẩm nghệ thuật mà em yêu thích là đề ngữ văn lớp 11 rất được các bạn học sinh quan tâm. Cùng tham khảo những dàn ý cho bài văn nghị luận về một bài hát yêu thích cũng như các bài viết mẫu hay, ấn tượng nhất nhé.
- Dàn ý bài văn nghị luận về 1 bài hát
- Bài văn nghị luận về một bài hát yêu thích
- Nghị luận về một bài hát mà em thích: Em là bông hồng nhỏ
- Nghị luận về một bài hát: Đất nước trọn niềm vui
- Nghị luận về một bài hát: Em ơi, Hà Nội phố
- Nghị luận về một bài hát: Đường đến ngày vinh quang
- Nghị luận về một bài hát: Để Gió Cuốn Đi
- Nghị luận về một bài hát: Dòng máu Lạc Hồng
- Nghị luận về một bài hát: Đất phương nam của Tô Thanh Phương
- Nghị luận về một bài hát: Nối Vòng Tay Lớn
Dàn ý bài văn nghị luận về 1 bài hát
a. Mở bài: Giới thiệu về bài hát mà em yêu thích
b. Thân bài:
– Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được biết tới là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Tân nhạc Việt Nam.
– Lời bài hát là những lời tâm tình về tình cảm của em bé dành cho cha mẹ của mình.
– Em là điều quý giá nhất đối với cha mẹ, là điều mà cha mẹ luôn luôn yêu thương và bảo vệ.
– Giờ đây, cũng có thể nói rằng em chính là mặt trời nhỏ trong thế giới riêng của gia đình.
– Em cũng như bao bạn nhỏ khác, được đi học, được tới trường để tiếp thu biết bao kiến thức mới lạ để có thêm những tri thức về thế giới ngoài kia.
– Chính những tri thức mà em được học ở trường, ở nhà đã trở thành một bài học quý giá cho em trên con đường trưởng thành sau này.
– Quê hương là chốn chữa lành tinh thần đối với mỗi người con, sẽ chẳng thể ở đâu có được cảm giác như khi chúng ta ở nhà.
c. Kết bài: Đánh giá và nêu cảm nhận của em về bài hát yêu thích.
Bài văn nghị luận về một bài hát yêu thích
Nghị luận về một bài hát mà em thích: Em là bông hồng nhỏ
Thế giới âm nhạc là một thế giới rộng lớn và đầy màu sắc. Đó cũng là một thế giới đặc biệt nơi mọi cá tính, phong cách được phô diễn. Mỗi người lại có một gu âm nhạc riêng, có người thì thích nhạc pop, nhạc rock, có người lại thích nhạc dân gian, nhạc nhẹ,…Và trong số ấy mỗi người lại có một bài hát yêu thích khác nhau. Riêng đối với em, thì em thích nhất là bài hát “Em là bông hồng nhỏ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được biết tới là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Tân nhạc Việt Nam. Ông đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam với một kho tàng bài hát đáng ngưỡng mộ với số lượng lên tới 600 bài hát. Đó là một con số không hề nhỏ đối với bất kì ai. Những sáng tác của ông thường là những bài tình ca, thế nhưng trong số những sáng tác của ông vẫn có những bài hát viết về tình yêu cuộc sống hay tình cảm gia đình. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể tới như “Cát bụi”, “Nắng thủy tinh”,… Ông cũng có những sáng tác cho thiếu nhi có thể kể đến như “Mẹ đi vắng”, “Tuổi đời mênh mông” nhưng đáng chú ý nhất vẫn là bài hát “Em là bông hồng nhỏ”. Bài hát là nhạc phim được viết cho bộ phim “Cho cả ngày mai” của đạo diễn Long Vân sản xuất năm 1981. Lời bài hát là những lời tâm tình về tình cảm của em bé dành cho cha mẹ của mình.
Em là điều quý giá nhất đối với cha mẹ, là điều mà cha mẹ luôn luôn yêu thương và bảo vệ. Mùa xuân là lúc mà đất trời bừng tỉnh sau một giấc mộng dài. Vạn vật như được hồi sinh, rũ mình khỏi giấc ngủ đông dài để vươn mình đón lấy cái ấm áp của mùa xuân. Mùa xuân là mùa của sự sống, cũng là đại diện cho sự sinh sôi nảy nở. Em cũng giống như mùa xuân vậy, nhưng mùa xuân này là mùa xuân cho riêng mẹ em. Em là điều khiến trái tim mẹ như được nở rộ, được vui mừng, háo hức, giống như mùa xuân của đất trời khi đến với thiên nhiên. Nắng là một trong những hiện tượng tự nhiên, cũng như là một thành phần quan trọng của sự sống. Em đã trở thành tia nắng, trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của cha. Giờ đây, cũng có thể nói rằng em chính là mặt trời nhỏ trong thế giới riêng của gia đình.
Em cũng như bao bạn nhỏ khác, được đi học, được tới trường để tiếp thu biết bao kiến thức mới lạ để có thêm những tri thức về thế giới ngoài kia. Được tiếp xúc, được làm quen với những điều mới lạ xung quanh mình khiến em bé cảm thấy mình thật tuyệt vời biết bao. Nụ cười của em chính là bông hoa đẹp nhất mà cha mẹ có được. Bông hoa ấy luôn được cha mẹ nâng niu, yêu thương và bao bọc để có thể sinh trưởng trong một môi trường tốt nhất. Em bé được lớn lên qua những lời thơ, lời hát nuôi lớn tâm hồn mình để em bay theo trí tưởng tượng rộng lớn đi muôn nơi. Những dòng thơ được “Em gối đầu” đã khiến chúng ta liên tưởng tới hình ảnh người mẹ kể chuyện ru con chìm dần vào giấc ngủ. Đó có lẽ là một hình ảnh đẹp thể hiện rõ tình cảm yêu thương giữa những người thân yêu trong gia đình. Chính những tri thức mà em được học ở trường, ở nhà đã trở thành một bài học quý giá cho em trên con đường trưởng thành sau này. Trời đất rộng lớn ngoài kia chính là nơi nuôi lớn tâm hồn em sau này.
Trong rừng thì luôn có cây cối phát triển. Nhắc đến rừng là ta đã nghĩ ngay tới một nơi mà muôn thú tụ tập để sinh sống. Trong số đó chiếm số lượng đông nhất có lẽ là loài chim. Bởi vậy câu hát “Cây có rừng bầy chim làm tổ” dường như là một câu khẳng định một sự việc hết sức hiển nhiên. Câu thơ tiếp theo “Sông có nguồn từ suối chảy ra” khiến ta liên tưởng tới câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” mà cha ông ta từ lâu đã truyền lại. Chúng ta luôn phải nhớ về cội nguồn của mình, về nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên. Nhà là nơi ấm áp nhất đối với mỗi người. Đó là nơi mà ngay cả khi ta thành công hay thất bại đều mong ngóng ta trở về. Là nơi để chúng ta được thoải mái làm chính mình và cũng là nơi để chúng ta trú mình khỏi những cơn giông tố đáng sợ ngoài kia. “Tim mỗi người là quê nhà nhỏ” đã minh chứng cho sự gắn bó, khăng khít giữa con người với quê hương của mình. Chỉ cần trái tim vẫn còn đang đập cháy bỏng trong lồng ngực, thì nỗi niềm nhớ mong, yêu thương gia đình, quê hương vẫn sẽ còn mãi nơi đây. Quê hương là chốn chữa lành tinh thần đối với mỗi người con, sẽ chẳng thể ở đâu có được cảm giác như khi chúng ta ở nhà. Tình cảm ấy giống như mặt trời rực rỡ trên bầu trời kia.
“Em là bông hồng nhỏ” là một bài hát đầy ý nghĩa và cảm xúc đối với chúng ta. Bài hát không chỉ khơi gợi tình cảm tình cảm gia đình, mà còn là tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Tuy cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời cõi tạm hơn hai mươi năm, thế nhưng các tác phẩm của ông nói chung và “Em là bông hồng nhỏ” nói riêng sẽ mãi sống cùng năm tháng.
Nghị luận về một bài hát: Đất nước trọn niềm vui
Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca bất hủ đã truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của một chiến thắng đã làm nên một Việt Nam của thời đại mới. Trong đó, có “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.
Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Hà từng kể, từ giữa tháng 4/1975, không khí Hà Nội rất sôi động. Tình hình chiến sự được người dân theo dõi từng giờ, từng phút. Nhiều hôm, ông không về nhà mà ở lại cơ quan – Đài Tiếng nói Việt Nam để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày đó hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng.
Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc để viết nên những giai điệu đầy cảm xúc, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên về một ngày vui của dân tộc đang đến rất gần: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.
Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng sáng 30/4. Dù được sáng tác trong một thời gian ngắn, dù nhạc sĩ không có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử để chứng kiến cảnh: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây”, nhưng bằng sự trải nghiệm niềm hân hoan của một người nghệ sĩ mong ngóng ngày chiến thắng và hân hoan với ngày khải hoàn của dân tộc, lời ca, tiếng hát của ca khúc như là tiếng lòng của những người con nước Việt trong thời khắc quan trọng của lịch sử.
Sức sống mãnh liệt của ca khúc không phải dĩ nhiên mà có. Nó được đúc kết trong chính giá trị mà ca khúc tạo ra, xuyên qua năm tháng, vượt qua thời gian để chạm đến trái tim của bao thế hệ người nghe.
Về giá trị lịch sử, ca khúc đã khẳng định giá trị đích thực của nó trên nhiều khía cạnh, mà có thể nhìn nhận rõ nhất ở hai giá trị tiêu biểu là lịch sử – tư tưởng và nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật âm nhạc).
Dù đã trải qua bao nhiêu năm kể từ khi ca khúc ra đời, tác giả của bài hát đã trở thành người thiên cổ, nhưng âm hưởng của bài hát vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và niềm hân hoan như thủa ban đầu của nó.
Nghị luận về một bài hát: Em ơi, Hà Nội phố
Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã từng được lắng nghe ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang). Bài hát ấy thực sự là hoài niệm níu chân kẻ si tình.
Ca khúc phổ thơ Phan Vũ gợi cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung về thủ đô lãng mạn nhưng cũng đầy buồn thương.
Bài hát do Phú Quang phổ nhạc năm 1986, dựa lời thơ Phan Vũ. Nhạc sĩ kể khi vào Sài Gòn sống được nửa năm, ông nhớ Hà Nội. Trong buổi trà chiều, Phan Vũ đọc cho ông nghe bài thơ Em ơi, Hà Nội phố – trường ca dài 443 câu thơ, chia làm 24 khổ. Nghe xong, Phú Quang xúc động và nói với Phan Vũ chắc chắn có một bài hát hay.
“Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả món nợ ra đi, nhưng khi bài ca được viết ra, tôi đã giải thoát dù chỉ phần nào. Và dẫu chỉ là ít ỏi thì tôi cũng đã xây dựng được chút gì cho kỷ niệm về Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt nửa cuộc đời”, nhạc sĩ bộc bạch. Ông đã chọn 21 câu thơ trong sáng tác của Phan Vũ, kết hợp cảm xúc của mình làm nên Em ơi, Hà Nội phố.
Những câu thơ Phú Quang chọn phổ nhạc gắn với hình ảnh đặc trưng của Hà Nội mà hễ mở lời, dễ dẫn dụ người nghe đồng cảm. Phú Quang rời Hà Nội năm 37 tuổi để tìm điều mới lạ cũng như muốn giã từ vài thứ phiền muộn. Ở Sài Gòn được ba tháng, ông khao khát trở về. Thế nhưng, phải 25 năm sau, ông mới quay lại Hà Nội. “Hà Nội có thể không sang trọng bằng khách sạn nào đó, không hoành tráng như thủ đô nào đó. Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”, Phú Quang thú nhận.
Em ơi Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Lời ca đầy dịu dàng mở ra thứ cảm xúc lãng mạn, tình tứ. Nhân vật chính là “em” – Hà Nội – được gọi thân mật. Hà Nội tựa như người tình, bạn tri kỷ níu chân Phú Quang. Hà Nội mơ màng và mong manh, thanh lịch. Hoàng lan, hoa sữa tồn tại như thực thể có hồn, phảng phất mùi hương rồi ăn sâu vào tiềm thức. Lối đi xưa bảng lảng bóng một người con gái.
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân
Mùa đông năm 1972, Hà Nội tang tóc bởi trận dội bom của quân đội Mỹ. Nỗi mất mát đóng hình trong Em ơi, Hà Nội phố. Con chữ mộc mạc khắc sâu cảnh phố xá trơ trụi, ký ức đau thương. Hà Nội thêm cô đơn, trống vắng giữa trời đông rét buốt. Sự sống thưa thớt, bám trụ trên nền đất hoang tàn. Tiếng dương cầm như mới dứt, gây thổn thức khôn cùng. Hình ảnh chuyển hóa từ kỷ niệm của nhà thơ Phan Vũ với cô gái tên Trịnh Thị Nhàn – người ông thầm thương. Nhà Nhàn ở phố Chân Cầm. Phan Vũ si mê khúc dương cầm réo rắt và dành sự cảm mến cho cô.
Em ơi, Hà Nội phố không chỉ là lời thủ thỉ tự tình mà ẩn sâu nỗi xót xa. Phan Vũ chia sẻ: Cụm từ “ta còn em” trong từng đoạn là những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về”.
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ
Vẫn còn đó Hà Nội của những hoài bão, ước mơ và hy vọng. Thế nhưng, nghệ sĩ chẳng thể trốn tránh nỗi đơn côi, phút chạnh lòng. Hình ảnh thiếu nữ ẩn hiện trong Em ơi Hà Nội phố, không rõ bóng hình, không dòng địa chỉ. Họ chợt hiện rồi chợt tan tạo cảm giác mộng mị, đủ khiến kẻ si tình vấn vương, quyến luyến. Độc bước trên con phố dài không dấu chân, kẻ sĩ hoài nhớ dãy nhà cổ tịch mịch, vẻ trầm mặc của 36 phố phường, ánh hoàng hôn buông trên sóng nước Hồ Tây.
“Em ơi, Hà Nội phố” hòa trộn giữa văn chương và hội họa. Ngôn từ chất đầy những hình khối, màu sắc tựa bức tranh. Những đường cọ chỉ chấm phá đôi nét mờ nhòa, tạo không gian lắng đọng cho người thưởng thức. “Em ơi, Hà Nội” phố đồng điệu cảm xúc của cặp nghệ sĩ Phan Vũ – Phú Quang, thể hiện tình yêu mãnh liệt và chân thành.
Phan Vũ viết “Em ơi, Hà Nội phố” trong căn gác số 4 Hàng Bún ngay sau trận trút bom. Hiện nay, tuổi ngoài 90, ông khao khát một lần trở lại Hà Nội, nơi có hương hoàng lan, hoa sữa và kỷ niệm về phụ nữ đẹp. Còn Phú Quang: “mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về”.
Trên đây là những lời giới thiệu về bài hát “Em ơi, Hà Nội phố”. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Mong được sự góp ý của các bạn.
Nghị luận về một bài hát: Đường đến ngày vinh quang
Mở bài: – Đường đời của mỗi con người thường là một lối đi riêng mà không người nào giống người nào, những hạnh phúc có được trong cuộc sống đều là thành quả của việc bước qua những khó khăn. – Vượt qua những giông tố cuộc đời, dù vất vả hay nhọc nhằn niềm vui và thành công đến với con người mới mang ý nghĩa đích thực và vẹn toàn. – Chân lí này đã được đề cập sâu sắc trong lời bài hát của ca sĩ Trần Lập:”Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”.
Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa thông điệp của tác giả – “ Hoa hồng” là loại hoa có hương thơm nồng nàn, có màu sắc rực rỡ của niềm vui, một loại hoa đẹp luôn là biểu tượng cao nhất của tình yêu trong cuộc sống con người. Ở đây hoa hồng là chỉ thành công và hạnh phúc mà con người đạt được. – “ Mũi gai” hoa hồng đẹp nhưng có gai, đôi lúc để cầm bông hồng trên tay chúng ta cũng phải chịu đau đớn không ít lần vì mũi gai nhọn của nó. Giống như cuộc sống, để có thành công và hạnh phúc ta phải biết vượt qua những sóng gió và thử thách trong cuộc đời” Qua cơn mưa trời lại sáng” =>Tác giả muốn khẳng định chân lí: Muốn có hạnh phúc và thành công trên đường vinh quang mỗi người bắt buộc phải biết “ chịu đau’ khi gặp những” mũi gai” và “ đi qua muôn ngàn sóng gió”.
2. Bàn luận – Hạnh phúc, vui sướng… luôn là ước mơ cũng là mục tiêu của mọi con người. Nhưng nghịch lí cuộc đời vẫn để khó khăn vất vả chiếm đa phần trong đời mỗi chúng ta. Phải đi qua, thoát ra khỏi đau khổ, con người mới có thành công. Dẫn chứng: Cuộc đời ca sĩ Trần Lập cũng là cuộc đời thành công của một người luôn biết vươn lên, đẩy lùi bóng tối và kéo ánh sáng lại gần mình. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, Trần Lập phải chịu vất vả từ nhỏ. Bố mẹ đi làm để kiếm kế sinh nhai khóa cửa Trần Lập một mình. Vì vậy, để xua đi nỗi cô đơn của bản thân anh mở chiếc đài cũ kĩ của Liên Xô để tự “ thỏa chí” đam mê âm nhạc. Chính việc đó đã giúp anh trở thành một nhạc sĩ sáng tác và hát Rock thành công trong suốt 20 năm làm nghề. Ở tuổi ngoài 40, khi bị mắc bệnh ung thư trực tràng anh vẫn say mê hát và cống hiến. Có lẽ, không ít người đã phải rơi nước mắt cảm phục khi nhìn thấy hình ảnh vị nhạc sĩ quá cố mũi đeo ống thở ô-xi, tay chằng chịt những dây dẫn nước; nằm điều trị tại bệnh viện mà anh vẫn nở một nụ cười thật tươi, giơ tay chào khán giả. Định mệnh cuộc đời đã không cho con người nghị lực ấy có cơ hội vượt qua cửa tử thần một lần nữa. Nhưng những gì anh để lại cho đời vẫn vững chãi như “ Bức Tường” anh đã đặt tên. – Mọi sự thành công đều bao gồm sự hi sinh mất mát và những nỗi đau, nỗi buồn. Biết chấp nhận đau thương, vất vả cũng là biết cố gắng để đi tới đích trên đường vinh quang. Dẫn chứng: Nick Vujic – con người tàn tật biết chấp nhận sự thiếu thốn, không vẹn nguyên về thể xác để thành công và trở thành biểu tượng của bản lĩnh, nghị lực sống trên toàn thế giới. – Đường vinh quang là đi qua muôn trùng sóng gió – Lời bài hát như khẳng định thêm về ý chí của một con người luôn hiên ngang bước qua mọi gian nan ở đời. Đó là một bài học ý nghĩa về cách sống mà Trần Lập muốn gửi gắm đến mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sống tốt đẹp là phải biết đối mặt với thử thách, đối mặt với phong ba bão táp và chiến thắng nó. Thành công sẽ đến với những người không bao giờ chùn bước và run sợ trước khó khăn. Dẫn chứng: Người thương binh Nguyễn Xuân Năng với tinh thần” Thương binh tàn mà không phế” đã có nhiều thành tích cao trong việc thi đấu bóng bàn ở trong nước và Quốc tế.
c. Phê phán – Trái ngược với những tấm gương luôn sống đương đầu với thử thách thì không ít bạn trẻ ngày nay có lối sống nhút nhát, gặp khó khăn là nản chí, nhụt chí và dễ dàng bỏ cuộc. – Cũng không ít người không chịu chấp nhận những thất bại, buồn đau mà khó khăn của mình gây ra, mà tìm cách đi đến thành công bất chấp mọi thủ đoạn. Dẫn chứng: Nhiều cán bộ vì muốn giàu ra sức tham nhũng của dân chúng; thành công mà hại người khác… Kết bài: – Lời bài hát là lời của chân lí sống, cách sống và nghị lực sống. Nó xuất phát từ kinh nghiệm sống quý giá từ cuộc đời thăng trầm của cố nhạc sĩ Trần Lập- một người tài hoa nhưng bạc mệnh. – Tuy không còn tồn tại nhưng những đúc kết cuộc sống mang ý nghĩa sâu sắc của thành viên trụ cột của ban nhạc “ Bức Tường” vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc.
Nghị luận về một bài hát: Để Gió Cuốn Đi
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi…”
Trước tôikhông biết đây là câu hát trong bài hát nào, chỉ tình cờ nghe được và câu hátnày đã làm tôi nghe một lần và nhớ mãi. Không biết khi Trịnh Công Sơn viết nêncâu hát này ông nghĩ gì, còn tôi, câu hát này luôn ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ về sự vô tình của lòng người. Con người có lẽ ai cũng có một phần ích kỉ, và điều đó luôn làm tôi sợ hãi. Sự ích kỉ như một con quái vật đáng sợ có thể hủy hoại nhiều thứ tốt đẹp trong tâm hồn.
Người ta dễ dàng khen những cái không tốt hơn là góp ý chân thành, dễ dàng lờ đi hay chê bai những điều tốt đẹp của người khác hơn là nói lên một câu khen ngợi. Người ta thích chỉ dạy với vẻ kẻ cả nhưng không thích nhìn thấy sự tiến bộ của ngườikhác. Người ta dễ dàng tỏ vẻ an ủi và vỗ về khi bạn gặp bất hạnh hơn là chia sẻ niềm vui, sự may mắn. Nếu mình cứ sống hồn nhiên, chân thật và mong rằng có thể cảm hóa được những người như như vậy liệu có phải là ảo tưởng. Cái đó có lẽ bị gọi là một sự ngu ngốc và khờ khạo.
Khi nhận ra cái ích kỉ ẩn sau cái vẻ bề ngoài vị tha nhân hậu thực sự là một điều tổn thương lớn. Tìm được một tình cảm không vị kỉ trên đời này quả là điều khó khăn. Đã tìm, đã tin và thất vọng… Đã muốn trở nên khôn ngoan, đã muốn trở nên ghê gớm hơn và không thể. Mong muốn điều đó làm cảm động người khác ư? Ảo tưởng. Nếu có một tấm lòng, hãy để gió cuốn đi…tự do và hồn nhiên, đừng mong nhận được gì, đừng mong được hiểu, sẽ dễ chịu hơn nhiều… Vô tình với sự vô tình của lòng người sẽ tìm thấy được sự thanh thản…
Và tôi đã từng nói” để gió cuốn đi” nghĩa là hãy để lòng tốt của mình vô tư như chẳng hề có giá trị gì, những gì mình làm được cũng hãy coi nhẹ nhàng cho gió cuốn hết đi. Hình như chẳng phải chỉ có tấm lòng, mà mọi chuyện có thể coi nhẹ như gió cuốn thì sẽ chẳng còn những phút giây day dứt, băn khoăn hay dằn vặt. Nhẹ nhàng biết bao! Thanh thản biết bao! Nhưng như thế liệu cuộc đời có còn đáng yêu nữa hay không?
Tôi chưa kịp tìm ra câu trả lời thì tôi đã tự bắt mình phải coi mọi chuyện thật nhẹ, coi như tôi đã quên hết tất cả những cảm xúc mình đã từng có. Và tôi tưởng là mình đã hoàn toàn thăng bằng. Đôi khi nhớ lại cũng không khỏi một chút buồn, một chút luyến tiếc nhưng lại vô cùng thanh thản. Tôi không còn băn khoăn,không còn thắc mắc. Ừ, cứ để mọi chuyện cho gió cuốn đi.
Rồi đột ngột như từ trước đến nay, một lời chúc bất ngờ, rồi chọn cho tôi một bài hát nho nhỏ vì thấy rất giống. Tôi lắng nghe “Để gió cuốn đi” trong một tâm trạng bàng hoàng… Tôi hiểu ra rằng tôi chưa bao giờ có thể quên bất cứ điều gì… Vẫn như ngày xưa, luôn luôn không thể nắm bắt…
Hạnh phúc đôi khi là một cảm xúc thật lạ. Vừa như muốn nổ tung ra trong lồng ngực, vừa như muốn nép chặt vào tận sâu trong đáy tim để nằm lại trong đó mãi mãi…
Khi người ta “để gió cuốn đi” thì người ta không cần nghe một lời cảm ơn nữa. Đã là những người bạn thì không cẩn phải nói cảm ơn vì được biết nhau trong cuộc đời này đã là một niềm vui lớn
Nghị luận về một bài hát: Dòng máu Lạc Hồng
Phải chăng niềm kiêu hãnh của một người con đất Việt xuất phát từ những giá trị cốt lõi, cốt lõi ở đây có thể hiểu rằng giá trị lịch sử, giá trị văn minh, giá trị nhân đạo, … nhưng chúng ta đâu biết rằng để những giá trị trên được tiếp cận đến con người một cách trơn tru và hoàn hảo, thì cơ sở lớn nhất tạo nên thành công phải kể đến những sáng tạo và cống hiến của con người. Thi nhân, thi sĩ có thể phản ánh hiện thực cuộc sống qua thơ ca, họa sĩ có thể tô điểm sự vật bằng hội họa, đặc biệt phải kể đến cách một nhà soạn nhạc có thể chiêm nghiệm, tái hiện cuộc sống trên những nốt nhạc thăng trầm. Chính vì có sự đam mê với âm nhạc cũng như thấy được những cống hiến của nghệ sĩ soạn nhạc, bản thân em không ngừng tìm hiểu và trau dồi về âm nhạc. Trong quá trình tìm hiểu đó, điều mà bản thân đã phần nào cảm thấu được giá trị của âm nhạc đem tới, một trong số những bài hát truyền cảm hứng cho em đến sâu hơn với âm nhạc mang tên “Dòng máu lạc hồng”, bài hát không chỉ hấp dẫn bằng giai điệu êm tai, giọng điệu hào hùng, mà đặc biệt “Dòng máu lạc hồng” còn là hình ảnh thu nhỏ đi liền lịch sử nghìn năm văn hiến của Việt Nam.
Chạy đua với hành trình chinh phục sự đón nhận từ người yêu nhạc, đã không biết bao những nhạc sĩ, những ca khúc phải vật lộn để tìm cho mình một vị trí vững vàng trên bảng xếp hạng âm nhạc. Đối lập với sự vất vả trên “Dòng máu lạc hồng”, không xoay chuyển, không thay đổi vị trí, thay vào đó ca khúc này thể như đang hóa thân thành một tượng đài bất hủ của âm nhạc Việt Nam. Bởi vậy cũng cho ta thấy được niềm tự hào dân tộc và tinh thần yêu đất nước trong nhà soạn nhạc Lê Quang là vô cùng cao cả.
Biết đến “Dòng máu lạc hồng” không vì sự cưỡng ép hay thúc giục bởi tính giáo dục của ca khúc. Mà thay vào đó bản thân em là người tìm đến “Dòng máu lạc hồng”, phần nào cảm thấy rất may mắn khi vô tình nghe được ca khúc qua băng đĩa của ông nội. Nghe lần đầu, bản thân thấy lôi cuốn bởi giai điệu hào hùng mà quyết liệt, lần kế tiếp bản thân dường như đã thấm đượm từng câu từng chữ trong ca khúc này, đặc biệt những lần về sau nữa là sự hòa quyện giữa dòng máu âm nhạc và dòng máu lịch sử chạy trong bản thân.
Hát từng câu từng chữ, nghe từng phút từng giờ, có lẽ dòng máu lạc hồng sẽ luôn lưu đọng trong trái tim em. Hấp dẫn bởi bài hát thay cho sự tự hào, tự hào là người con xuất phát từ truyền thống con rồng cháu tiên, những truyền thuyết bên cạnh công ơn dựng nước giữ nước của các vị Vua theo từng thời kì, đặc biệt là sự tri ân và ngợi ca sử Việt cũng như nhắc nhở mỗi người cần mang trong mình đạo lí uống nước nhớ nguồn. Ngoài ra ca khúc còn để lại ấn tượng với chi tiết câu mở đầu và câu kết thúc là một điểm nhấn “Dòng máu lạc hồng bốn nghìn năm … tự hào hai tiếng Việt Nam”. Bốn nghìn năm để đổi lấy hai tiếng Việt Nam, vô cùng thiêng liêng! Vô cùng cao cả!
Ngoài những giá trị tích cực đó, ngày nay với sự phát triển và hội nhập, mạng xã hội cũng là một rào cản lớn để quảng bá các giá trị tinh hoa thuần túy này đến bạn bè năm châu. Bởi đó là sự lợi dụng của những cá nhân, họ là những con người đi ngược với thuần phong mỹ tục của đất nước, họ sẵn sàng bôi nhọ, sẵn sàng châm biếm, sẵn sàng chế tác, biến hóa những ca khúc vĩ đại đó thành một giá trị hoàn toàn tiêu cực. Bởi vậy là một người con của mảnh đất Việt Nam thân thương, mỗi cá nhân chúng ta cần tôn vinh và gìn giữ những giá trị vốn có và giá trị được cất công gây dựng nên, đồng thời cần phê phán và lên án những cá nhân thực hiện những hành vi nhu nhược như trên. Hãy là là một người yêu nhạc văn minh, hãy chiêm nghiệm và cảm thấu, bởi kết quả của sự chiêm nghiệm và cảm thấu đó là bước ngoặt lớn cho sự thành công đối với âm nhạc trong một ca khúc, một nhạc sĩ. Cũng như sự hấp dẫn của “Dòng máu lạc hồng” đã được bản thân em nói riêng và hàng ngàn người yêu nhạc khác nói chung đã có cái nhìn đúng đắn và đa chiều đối với bản hùng ca này. Và đó là một sự thành công, sự đánh dấu trong sự nghiệp soạn nhạc của Lê Quang.
Không phải hiển nhiên mà Lê Quang có thể viết nên một ca khúc mang âm hưởng vĩ đại như vậy! Chứa đựng trong đó là những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt để tạo nên một ca phẩm vĩ đại. Đây được coi như sự đánh đổi nước mắt của nhạc sĩ để chiếm lấy những giọt nước mắt của hàng ngàn con người đất Việt. Những hấp dẫn mà “Dòng máu lạc hồng” thời điểm hiện tại có được chắc chắc và sẽ mãi mãi lưu đọng và được đông đảo người yêu nhạc trong nhân loại biết đến. Bởi đây không phải sự hấp dẫn đơn thuần, hấp dẫn tại thời điểm nhất định, đặc biệt là sự hấp dẫn của giá trị lịch sử, giá trị văn minh, giá trị khơi gợi nên tinh thần uống nước nhớ nguồn mà mỗi con người cần sở hữu.
Nghị luận về một bài hát: Đất phương nam của Tô Thanh Phương
Bài hát Đất Phương Nam là một ca khúc hay và ý nghĩa về tình yêu quê hương miền Nam. Bài hát được sáng tác vào năm 1975, sau khi miền Nam được giải phóng. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã dựa vào những kinh nghiệm và cảm xúc của mình khi sống ở miền Nam để viết ra lời bài hát. Ca sĩ Tô Thanh Phương đã diễn tả được tâm trạng của người con xa quê, mong muốn trở lại với miền đất yêu dấu. Bài hát đã truyền tải được thông điệp về lòng yêu nước, tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai của miền Nam.
Lời bài hát gồm hai khổ thơ và một điệp khúc. Khổ thơ đầu tiên nhắn nhủ người đi xa quay về miền đất phương Nam, nơi có trời xanh mây trắng, dòng Cửu Long Giang mênh mông, rừng tràm và dừa xanh. Khổ thơ này tả về những cảnh sắc thiên nhiên đẹp và quen thuộc của miền Nam, làm cho người nghe cảm thấy gần gũi và thân thương. Khổ thơ thứ hai nói về những người đã hy sinh vì đất nước, những người đã đi mở đất, những người đã chịu đựng nhiều khổ cực trong cuộc chiến. Khổ thơ này bày tỏ sự biết ơn và tưởng nhớ của người con đối với cha ông, cũng như sự đau buồn và thương tiếc của người sống đối với người chết. Điệp khúc là lời kêu gọi của người con đến với quê hương, để cùng xây dựng miền Nam mới, hòa bình và phát triển. Điệp khúc là lời thề của người con sẽ sống vì quê hương, vì dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp.
Bài hát Đất Phương Nam có nhiều điểm tương đồng với những bài hát khác cùng chủ đề về miền Nam, như “Bài ca Cửu Long” của Phạm Duy, “Bến Tre quê hương tôi” của Trần Thiện Thanh hay “Miền Nam ơi” của Trần Tiến. Tuy nhiên, bài hát cũng có những điểm khác biệt và ưu điểm riêng. Bài hát không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của miền Nam, mà còn thể hiện được tình cảm sâu sắc của người con đối với quê hương. Bài hát không chỉ ca ngợi những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, mà còn bày tỏ được niềm tin vào tương lai của miền Nam. Bài hát không chỉ có giai điệu trữ tình, sâu lắng, mà còn có lời bài hát giàu ý nghĩa và cảm xúc.
Tôi rất thích bài hát Đất Phương Nam và luôn nghe nó khi nhớ về quê hương. Bài hát đã giúp tôi hiểu hơn về miền Nam, về những con người ở đó, về những khó khăn và hy vọng của họ. Bài hát cũng đã khơi gợi trong tôi lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội. Tôi mong rằng bài hát sẽ được nhiều người biết đến và yêu thích, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của miền Nam.
Nghị luận về một bài hát: Nối Vòng Tay Lớn
Bài hát “Nối vòng tay lớn” được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết từ năm 1968 và được đưa vào cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” của ca sĩ Khánh Ly vào năm 1969. Ngay sau khi ra mắt, bài hát đã được tầng lớp học sinh, sinh viên và thanh niên miền Nam đón nhận nhiệt liệt. Lần đầu tiên ca khúc được hát vang trong những buổi sinh hoạt tập thể là vào năm 1970 trong trại “Nối vòng tay lớn” của học sinh, sinh viên miền Nam; và sau đó, ca khúc thường được sử dụng để “khai mạc” những buổi sinh hoạt thanh niên.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – một trong những người bạn thân thiết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời – cũng khẳng định: “Trong suốt 5 năm, từ 1970 đến 1975, bài hát “Nối vòng tay lớn” này đi khắp cả nước trong phong trào thanh niên”.
Không ai dự tính trước rằng trong buổi phát thanh lịch sử đó sẽ có Trịnh Công Sơn và bài hát “Nối vòng tay lớn”. Tất cả các nhân vật tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn ngày hôm đó đều không phải là “dân chuyên” và đều rất bối rối trước thời điểm lịch sử này. Những lời tuyên bố đầu tiên được phát trực tiếp trên Đài vào lúc 13h30 ngày 30-4-1975 cũng là do ông Nguyễn Hữu Thái – Cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn – làm phát thanh viên bất đắc dĩ. Văn kiện đầu hàng của tướng Minh cũng được Đại tá Bùi Văn Tùng viết vội. Vậy nên, chẳng ai kịp tính toán đến việc mời văn nghệ sĩ tới cả.
Vậy mà, trong đoàn người đổ về Đài phát thanh Sài Gòn trưa hôm ấy lại có nhạc sĩ họ Trịnh. Anh sinh viên Huỳnh Ngọc Chênh – một trong những người tiếp quản Đài phát thanh vội đưa Trịnh vào. Sau khi đài lần lượt phát đi văn kiện đầu hàng của tướng Minh, thủ tướng Mẫn và lời chấp nhận đầu hàng của Đại tá Bùi Văn Tùng, đến lượt Trịnh Công Sơn – một đại diện cho giới văn nghệ sĩ lên tiếng: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…”.
Bằng một thái độ chân thành mà vẫn rất đỗi hân hoan, Trịnh Công Sơn phát biểu rằng “ngày hôm nay, mơ ước của các bạn về độc lập, tự do và thống nhất đã trở thành hiện thực”, rồi thuyết phục người dân và anh em văn nghệ sĩ miền Nam hãy hợp tác chặt chẽ với Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, bởi “họ đến đây với tinh thần hòa giải tốt đẹp, các bạn không có lí do gì sợ hãi để mà ra đi cả”. Sau đó, dù không mang theo đàn guitar, nhạc sĩ vẫn xin hát bài “Nối vòng tay lớn” bởi “ngày hôm nay, cái vòng tay lớn đó đã được nối kết”.
Tiếng hát chay của nhạc sĩ họ Trịnh lúc đầu xem chừng như ngập ngừng. Nhưng càng về sau lại càng có nhiều anh em góp giọng, họ còn cao hứng vỗ tay, gõ nhịp lên bàn thay cho trống. Trong giây phút ước mơ thống nhất đất nước trở thành hiện thực, tất cả những người có mặt tại Đài phát thanh hôm đó vừa hân hoan lại vừa bỡ ngỡ, tưởng mình đang đi ra từ một giấc mơ. Bài hát “Nối vòng tay lớn” và đôi lời phát biểu của Trịnh Công Sơn trong giờ phút lịch sử ấy có ý nghĩa nhân văn rất lớn: kêu gọi hòa hợp và hòa giải, tô đậm niềm vui “anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát” thay vì kéo dài thêm hận thù giữa hai chiến tuyến.
Anh bộ đội Nguyễn Văn Thọ – một trong những người lính giải phóng tiến vào Sài Gòn trong ngày thiêng liêng đó, đã bồi hồi ghi lại: “Bài hát đã có tác động làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế thật quá trọng đại!”.
Cho tới nay, ca khúc “Nối vòng tay lớn” vẫn luôn là bài ca mở đầu hay kết thúc cho nhiều buổi hội họp lớn nhỏ. Bởi tinh thần của Trịnh Công Sơn gửi gắm trong bài hát vẫn chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt: dù trong hoàn cảnh nào, người dân Việt cũng khát khao đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau để cùng kiến tạo một quốc gia độc lập, hòa bình, hạnh phúc.
Ca khúc “Nối vòng tay lớn” là một hành trình kết nối dường như vô tận: từ Bắc vô Nam, từ quê nghèo lên phố lớn rồi lại từ thành phố về thôn quê – trong ca khúc có tận mười từ “nối” tất thảy. Dù đường sá có muôn vàn cách trở, dù có phải “từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi” hay “vượt thác cheo leo”, anh em Nam Bắc một nhà vẫn quyết tâm “bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. Mối dây liên kết bền chặt giữa đồng bào Việt Nam còn vượt qua cả âm dương cách trở: ngay cả những người đã nằm xuống cũng góp phần “nối linh thiêng vào đời” để cả non sông “nối liền một vòng tử sinh”. Bài hát đã được đưa vào Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 9, nhằm giáo dục cho các em học sinh phổ thông về tinh thần hòa hợp dân tộc và sự thống nhất một lòng của người dân Việt Nam.
Tư tưởng đầy tính nhân văn của bài hát đã giúp “Nối vòng tay lớn” không chỉ được lưu truyền rộng rãi tại Việt Nam, mà còn gây được sự chú ý với giới yêu nhạc quốc tế. Ca khúc đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh với cái tên “Great Circle of Vietnam” bởi Richard Fuller – một người Mỹ yêu thích nhạc Trịnh. Thậm chí, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhắc đến ca khúc này trong bài phát biểu trước giới trẻ Việt Nam tháng 5-2016 để bày tỏ thiện chí về việc hai dân tộc hòa giải những mâu thuẫn trong quá khứ để xích lại gần nhau hơn.
Đã xx năm trôi qua kể từ ngày Giải phóng miền Nam lịch sử 30-4-1975, và hơn 50 năm ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thực hiện sứ mệnh lan tỏa tình đoàn kết dân tộc. Khúc ca ngày giải phóng đó vẫn còn vang mãi, để nhắc nhở chúng ta về một chân lý: dù cho bất kỳ biến cố nào xảy ra, non sông Việt Nam vẫn sẽ liền một dải, dân tộc Việt Nam vẫn sẽ là một dân tộc đoàn kết và thống nhất./.
Mình muốn nghe ý kiến của các bạn về bài viết này, để mình có thể cải thiện và phát triển hơn nữa.